Kinh nghiệm và chia sẻ

CÓ MỘT XỨ HUẾ RẤT TÌNH VÀ THƠ

» Kinh nghiệm và chia sẻ » CÓ MỘT XỨ HUẾ RẤT TÌNH VÀ THƠ

CÓ MỘT XỨ HUẾ RẤT TÌNH VÀ THƠ

Louis Le 

Nếu như Hà Nội gây thương nhớ bằng nét đẹp cổ kính, Sài Gòn giữ chân du khách bằng ánh đèn phồn hoa tráng lệ thì Huế lại vương vấn lòng người bằng nét thơ mộng, dịu êm. Có đến xứ Huế mộng mơ mới cảm nhận được nét hài hòa, trầm mặc của cố đô, mới thật sự lưu luyến tà áo dài thướt tha, dịu dàng cô gái Huế.

 

Có nét dịu dàng mang tên xứ Huế...

Thành phố thơ mộng tọa lạc ở hai bên bờ sông Hương, là di sản văn hóa thế giới thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nói đến du lịch Huế, người ta lại nghĩ ngay đến giọng nói ngọt ngào, dịu nhẹ cùng câu hò vĩ dạ vang vọng trên dòng sông Hương. Đó cũng là nét đặc trưng mà chỉ riêng Huế mới làm xao xuyến lòng người đến vậy.

Huế còn là điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung với biết bao danh lam thắng cảnh đẹp say đắm lòng người, nhiều di tích lịch sử lưu giữ nền văn hóa quốc gia… Đặc biệt, năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại". Đến với Huế, sẽ có rất nhiều điều hấp dẫn để du khách khám phá. Giờ thì bắt đầu hành trình du ngoạn xứ Huế cùng Global Holiday Tour nào!

 

1. Vẻ đẹp trầm mặc qua những tuyệt tác của các công trình lịch sử

 

ĐẠI NỘI KINH THÀNH HUẾ

Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm quần thể di sản Cố đô Huế. Công trình  bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là Đại Nội. Di tích Đại Nội Huế được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới năm 1993. Đại Nội Kinh Thành Huế hội tụ vẻ đẹp các di tích cung điện nguy nga, đền đài cổ kính và miếu thờ bề thế.  Với vẻ đẹp tráng lệ và kiến trúc cung điện đắc sắc, đây trở thành điểm tham quan hấp dẫn bậc nhất ở Huế.

Nằm ở bên bờ sông Hương, di tích Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét phong cách cổ xưa của triều đại nhà Nguyễn hàng trăm năm trước. Đại nội Huế bao gồm Hoàng thành và Tử Cấm Thành, Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế (nơi vua thiết triều và làm việc), Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc).

 

  

 

LĂNG KHẢI ĐỊNH

Lăng Khải Định nằm bề thế trên đình núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là công trình cuối cùng của Triều Nguyễn và cũng là lăng tẩm có kiến trúc đặc sắc nhất, thể hiện sự giao thoa của hai nền văn hoá Đông - Tây. Nghệ thuật nhất là những nét chạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ trong từng chi tiết, màu sắc.

Tại đây, bạn sẽ choáng ngợp trước kiến trúc khối chữ nhật với 127 bậc cấp cùng sự cầu kỳ, tinh xảo trong từng đường nét, hoa văn chạm trổ. Khung cảnh ở lăng mộ hoành tráng sẽ giúp bạn có những khung hình lạ mắt, vừa cổ điển, lại hiện đại. Quần thể lăng không quá rộng, chỉ cần 1-2 tiếng là bạn có thể khám phá, tìm hiểu lịch sử và thu về nhiều ảnh sống ảo.

 

  

 

LĂNG TỰ ĐỨC

Lăng Tự Đức, còn được gọi là Khiêm Lăng, một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Đây là nơi yên nghỉ của ông vua thi sĩ triều Nguyễn, đồng thời là công trình kiến trúc được giới trẻ "săn đón" ở Huế. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn với gần 50 công trình lớn nhỏ cả trong khu vực tẩm điện và lăng mộ, xen kẽ là những con đường lát gạch Bát Tràng đầy nghệ thuật. Sự hòa hợp giữa công trình nhân tạo và thiên nhiên hữu tình khiến nơi đây mang vẻ đẹp đặc biệt.

Lăng có vị trí gần với trung tâm thành phố (tọa lạc tại thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km) nên bạn có thể dễ dàng di chuyển tới đây. Một trong những điểm dừng chân ấn tượng nơi đây là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, trong khuôn viên hồ Linh Khiêm. Đây là nơi vua hay ngồi đọc sách, sáng tác thơ văn... Tại đây, bạn có thể chụp ảnh sống ảo đậm chất cổ điển với nón lá, áo dài...

 

  

 

LĂNG MINH MẠNG

Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu Lăng, nằm trên núi Cẩm Kê cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km. Quần thể di tích gồm cung điện, lâu đài, đình tạ bố trí đăng đối trên một trục dài 700 m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua Minh Mạng. Và độc đáo hơn với kho tàng gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu. Đây là công trình đặc sắc cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa lịch sử triều đại Việt Nam.

Lăng mang vẻ đẹp uy nghi, chuẩn mực của kiến trúc lăng tẩm triều Nguyễn. Lăng tọa lạc ở vị trí được xem là "đắc địa", nơi giao thoa nữa hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp lại thành sông Hương mộng mơ. Khuôn viên có diện tích 1.750 m, mang vẻ đẹp của bức tranh sơn thủy hữu tình. Tại đây, bạn có thể sống ảo ở khu vực hồ sen rộng lớn, dãy tượng quan văn, quan võ uy nghiệm, check-in ở cổng tam quan với background đẹp tựa tranh vẽ...

 

  

 

LĂNG GIA LONG

Lăng Gia Long còn gọi là Thiên Thụ Lăng, là nơi an nghỉ của vị vua đầu tiên triều Nguyễn, được xây dựng trên một quả đồi bằng phẳng, xung quanh có 34 ngọn núi chầu.

Nằm cách xa các lăng tẩm vua chúa, có thể nói Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt đẹp giữa thiên nhiên và kiến trúc cổ. Các công trình kiến trúc cổ huyền bí cùng sự lãng mạn của phong cảnh hữu tình. Đây là điểm tham quan hấp dẫn để du khách có thể  tham quan và chiêm ngưỡng.

Dù kiến trúc và bố cục lăng có phần đơn giản, vẻ đẹp hoang sơ của bức tranh thiên nhiên sẽ không làm bạn thất vọng. Những bậc tam cấp phủ rêu phong, hồ sen nở rộ và đồi thông thơ mộng sẽ giúp bạn có ảnh sống ảo chất lượng.

 

  

 

CUNG AN ĐỊNH

Với những bức tường vàng rêu phong cùng các chi tiết nghệ thuật tinh xảo, cung An Định (TP Huế), công trình kiến trúc độc đáo nhà Nguyễn, là điểm đến được nhiều bạn trẻ săn đón.

Tọa lạc bên bờ sông An Cựu, cung An Định được xem là "viên ngọc trăm tuổi", điểm nhấn giữa lòng xứ Huế mộng mơ. Công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Đây là cung điện điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được Bảo Đại thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị. Trên hình là đình Trung Lập, đặt bức tượng vua Khải Định theo tỷ lệ người thật.

Khung cửa sổ, bức tường rêu phong hay dãy lan can cũ kỹ sẽ cho bạn ảnh sống ảo đậm chất hoài niệm. Những trang phục tone màu đỏ, vàng, trắng sẽ thích hợp với background nơi đây. Nét đẹp cổ kính nơi đây là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ sáng tạo các kiểu ảnh sang chảnh, quý phái. Ngoài chụp hình sống ảo, bạn có thể tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa thời nhà Nguyễn. 

 

  

 

CHÙA THIÊN MỤ

Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm ở đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương, phường Kim Long. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km. Chùa được coi là ngôi chùa cổ nhất và là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Huế. Với kiến trúc xinh đẹp và cổ kính, những câu chuyện tâm linh huyền bí, những cảnh đẹp không thể bỏ qua. Chùa Thiên Mụ là điểm đến thu hút sự tò mò của khách du lịch thập phương.

Tại đây, check-in cùng tháp Phước Duyên, dòng Hương Giang mộng mơ chảy ngang sẽ cho bạn những tấm hình ảo diệu.

 

  

 

2. Phong cảnh hữu tình và nên thơ

 

SÔNG HƯƠNG - NÚI NGỰ

Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến sông Hương. Và nhắc đến sông Hương tất nhiên sẽ không quên núi Ngự kiêu hùng. Đây là 2 thắng cảnh nổi tiếng của đất cố đô, tồn tại song song trong tâm thức người dân xứ Huế, của dân tộc Việt.

Sông Hương thơ mộng lững lờ trôi qua các danh thắng lịch sử trầm mặc và cổ kính ở thành phố Huế. Đến với  sông Hương hiền hòa, du khách sẽ chẳng thể nào quên được câu ca Huế nhẹ nhàng vang vọng, thấm đượm hồn sông nước, thấm đượm hồn người. Núi Ngự như người anh hùng che chở kinh thành, sừng sững như một bức tranh tạo hóa. Đứng ở núi Ngự như du khách đang ở tòa lầu vãn cảnh, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh kinh đô xinh đẹp.

 

  

 

CẦU TRÀNG TIỀN - CHỢ ĐÔNG BA

Chưa đến chợ Đông Ba coi như chưa đến Huế

Trước khi có chợ Đông Ba, bên ngoài cửa Chánh Đông (tức là cửa Đông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một cái chợ mang tên Quy Gỉa Thị. Tên chợ này đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Gần một thế kỷ sau (năm 1885), kinh đô thất thủ, Quy Gỉa Thị bị giặc Pháp đốt sạch. Đến năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây lại chợ và đổi tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong quy hoạch chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái di chuyển chợ Đông Ba ra chỗ hiện nay.

Chợ Đông Ba không chỉ là trung tâm buôn bán mà còn là hồn Cố đô Huế, bởi nó còn lưu giữ những nét đẹp khó trộn lẫn, chẳng thế mà có nhiều người cho rằng chưa đến chợ Đông Ba coi như chưa đến Huế. Ngày nay, tuy hình thái buôn bán hoạt động phù hợp với đời sống hiện đại, nhưng hồn xưa dấu cũ vẫn không nhạt phai. Nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng cũng như các đặc sản Huế có thể tìm thấy ở chợ như: Nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, sen khô hồ Tịnh Tâm…, các món ăn truyền thống, dân dã như cơm hến, bún bò, bánh lá, bánh khoái…

 

  

 

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp

Theo sử sách, dưới thời vua Lê Thánh Tôn sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu đó được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau nên có tên là cầu Mây. Rồi cầu được làm lại bằng gỗ, có hình cái mống úp trên sông nên còn có tên là cầu Mống. Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp giao cho Hãng Eiffel thiết kế và xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và mang tên vị vua này.

Nhưng sau khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày ra đảo Réunion thì nhà cầm quyền cho đổi tên là cầu Clémenceau (theo tên của một thủ tướng Pháp). Đến năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau (1906), chiếc cầu mới được sửa chữa bằng xi măng cốt thép, tổng chiều dài là 401,10m, chiều rộng 6,20m, có 6 vài, 12 nhịp, mỗi nhịp được thiết kế hình bán nguyệt. Năm 1937, cầu được mở rộng thêm hành lang hai bên dành cho người đi bộ. Năm 1946, trong kháng chiến chống Pháp cầu bị mìn đánh sập hai phía tả ngạn. Trong sự kiện Tết Mậu Thân (1968), nhiều nhịp cầu cũng bị hư hỏng, sau đó được sửa chữa lại. Từ năm 1991, Công ty Cầu 1 Thăng Long chịu trách nhiệm trùng tu, xây dựng và đổi màu cầu từ màu dụ bạc sang màu lam.

Cho dù trải qua nhiều thăng trầm với nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu cái tên Trường Tiền (vì chiếc cầu nằm gần một công trường đúc tiền của nhà Nguyễn) hay Tràng Tiền đã đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật, cùng với dòng sông Hương mang lại nét thơ mộng, duyên dáng và lãng mạn cho TP.Huế.

 

  

 

BIỂN LĂNG CÔ

Bãi Biển Lăng Cô dài khoảng 10km, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Biển Lăng Cô là nơi hội tụ: màu xanh của núi rừng nhiệt đới, những dải cát trắng mịn, ánh nắng tràn đầy, biển xanh mát mẻ, đầm Lập An huyền bí..

 

  

 

 

Nguồn tham khảo: Amazing Things in Vietnam, Zing.vn và một số tài liệu khác...